Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử

Mới hoàn thành một số nhiệm vụ?

Về xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ đã có Nghị quyết 36a do Thủ tướng Chính phủ ký ngày 14-10-2015. Việc thực hiện Nghị quyết này được hoạch định từng bước rõ ràng, buộc các bộ, ngành, địa phương phải có báo cáo về Văn phòng Chính phủ theo từng quý trong năm. Văn phòng Chính phủ cho biết, việc ban hành Nghị quyết 36a về xây dựng Chính phủ điện tử đã có tác động tích cực về mặt nhận thức để các bộ, ngành, địa phương quan tâm, tăng cường chỉ đạo công tác ứng dụng CNTT trong công tác quản lý.

Tính đến quý II năm 2017, việc thực hiện những nhiệm vụ chung của Nghị quyết 36a đã được các bộ, ngành, địa phương cơ bản hoàn thành. Cụ thể, có 29/30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã lập kế hoạch hành động xây dựng chính quyền điện tử. Nhìn chung các bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành được một số nhiệm vụ cụ thể được giao và tiếp tục hoàn thành các nhiệm vụ còn lại về xây dựng chính quyền điện tử. Duy nhất chỉ còn vài đơn vị chưa hoàn thành bất cứ nhiệm vụ được giao nào. Theo đó các tỉnh, thành phố đã công khai tiến độ xử lý hồ sơ trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ. Ngoài ra, một số cơ quan, ngành cũng như một số bộ, ngành có tính đặc thù riêng là chưa công khai tiến độ xử lý hồ sơ trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ.

Đến nay, tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước đã kết nối liên thông phần mềm quản lý văn bản tới Văn phòng Chính phủ hình thành một hệ thống quản lý văn bản điện tử thống nhất thông suốt từ trung ương tới các địa phương cho phép tự động nhận biết được trạng thái xử lý văn bản giữa các cơ quan. Riêng với TP Hồ Chí Minh đã hoàn thiện liên thông có sử dụng chữ ký số. Nhiều dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, 4 đã được Chính phủ quy định phải thực hiện trong năm 2017. Khẩn trương hoàn thiện, ban hành và triển khai kiến trúc Chính phủ điện tử cấp bộ, kiến trúc chính quyền điện tử cấp tỉnh theo đúng hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Nguyên tắc của Chính phủ điện tử là lấy người dân và doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ và phải bảo đảm sự hài lòng của người dân. Các thủ tục hành chính phải nhanh chóng, giá dịch vụ thấp nhất và thái độ phục vụ tốt nhất. Đó chính là cơ sở đánh giá hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), xây dựng chính phủ điện tử cho các ngành, địa phương.

Hiện nay, việc xây dựng Chính phủ điện tử tại trung ương và các địa phương, đã đạt được một số thành quả như đã nêu nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn thách thức. Đó là tác động của cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4 (4.0) vào quá trình xây dựng Chính phủ điện tử. Cách mạng 4.0 đòi hỏi phải nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của cơ quan Nhà nước nghĩa là phải thay đổi tư duy và cách thức quản lý phù hợp cũng như tăng cường an toàn, an ninh thông tin, an ninh mạng. Việc ứng dụng CNTT tại nhiều địa phương hiện vẫn còn một số hạn chế như: Nhận thức của một số đơn vị, cán bộ công chức về việc triển khai ứng dụng CNTT chưa cao, nhân lực CNTT còn thiếu và yếu. Theo nhiều chuyên gia thì cái khó hiện nay trong việc xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam là chưa đáp ứng được về cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Thêm vào đó việc tích hợp, trao đổi thông tin giữa hệ thống dịch vụ công (DVC) trực tuyến của địa phương với các bộ, ngành cũng chưa theo một chuẩn thống nhất. Ứng dụng công nghệ thông tin trong nội bộ cơ quan nhà nước đang ở quy mô nhỏ, chưa kết nối, chia sẻ thông tin trên diện rộng. Việc điều hành xử lý công việc qua mạng chưa thường xuyên liên tục. Các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao (mức 3, 4) cung cấp cho người dân và doanh nghiệp chưa nhiều. Ngoài ra, các vấn đề cơ chế, kinh phí, nguồn lực cho Chính phủ điện tử cũng đang gặp nhiều khó khăn.

Cần gắn kết với cải cách thủ tục hành chính

Theo nhận xét của các địa phương thì việc triển khai ứng dụng CNTT và xây dựng chính quyền điện tử đang đi đúng hướng và phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển. Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khẳng định, đây là việc làm nòng cốt để xây dựng thành phố thông minh tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi giao tiếp với cơ quan chính quyền, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân trên cơ sở lựa chọn những lĩnh vực thiết yếu nhất cần được cải thiện như: môi trường, y tế, giáo dục, giao thông, an ninh an toàn…

Còn ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc xây dựng và duy trì các ứng dụng công nghệ thông tin tại địa phương đã cải thiện môi trường đầu tư; tăng cường năng lực của cơ quan hành chính, thực hiện công khai minh bạch trong hoạch định chính sách; phòng, chống tham nhũng và nâng cao năng lực phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng phục vụ cải cách hành chính.

Hiện nay, nhiều địa phương cũng đã dành những khoản kinh phí lớn để đầu tư xây dựng chính quyền điện tử và phát triển các dịch vụ thành phố thông minh, như Thanh Hóa với dự toán kinh phí khoảng 2.280 tỷ đồng. Để xây dựng thành công Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử đang rất cần tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ từ cấp trung ương tới các địa phương. Đó là phải gắn kết chặt chẽ với việc cải cách TTHC, nó được thể hiện qua Chỉ số cải cách hành chính hàng năm của các bộ, ngành, địa phương. Ban hành và triển khai kiến trúc Chính phủ điện tử cấp bộ, kiến trúc chính quyền điện tử cấp tỉnh theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông. Xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia, các phần mềm dùng chung, bảo đảm tính tương thích, đồng bộ và thông suốt để nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong quá trình xử lý công việc; tăng tỷ lệ sử dụng văn bản điện tử trao đổi giữa các cơ quan nhà nước.

Đây là vấn đề rất quan trọng nhằm xử lý các bất cập đã được chỉ ra như việc các bộ khi triển khai các cơ sở dữ liệu, thí dụ như đăng ký kinh doanh, đăng ký đầu tư, hộ tịch, dân cư nhưng không tính đến hệ thống đang có của các địa phương. Do vậy dẫn đến tình trạng cơ sở dữ liệu đó không liên thông được giữa bộ và địa phương. Phải cung cấp trực tuyến dịch vụ công mức độ 3, 4 và tích hợp các dịch vụ công này với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và đưa vào vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính và giấy tờ công dân.

Về mặt pháp lý, trong quý III – 2017, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định về cơ chế một cửa để liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính tại các cơ quan nhà nước các cấp, bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa kiểm soát TTHC với xây dựng Chính phủ điện tử; thiết lập hệ thống thông tin điện tử một cửa kết nối giữa các cấp chính quyền nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, kiểm soát chặt chẽ việc giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức.

Để giải quyết bài toán khó về tài chính, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng: Chính phủ cần tập trung vào các dự án nhỏ có thể bảo đảm khả năng tự trang trải về mặt tài chính, hoặc những dự án có thể lấy từ nguồn bên ngoài vì các dịch vụ càng phức tạp, tinh vi thì chi phí càng lớn. Đồng thời, phải xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, kỷ cương hành chính, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Công tác này phải được quán triệt, chỉ đạo quyết liệt, triển khai tới từng cán bộ, công chức, viên chức nhằm tạo chuyển biến mới

Nguồn : http://www.nhandan.com.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *