Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án “Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành về đồng bằng sông Cửu Long phục vụ phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu” (Đề án).
Theo đó, Đề án được thực hiện trong 5 năm, từ năm 2020 đến năm 2024.
Mục tiêu của Đề án nhằm tạo lập hạ tầng thông tin, dữ liệu và hạ tầng ứng dụng tri thức về đồng bằng sông Cửu Long trên quan điểm tiếp cận đa ngành, đa lĩnh vực với tầm nhìn dài hạn, giải quyết đồng bộ bài toán tổng thể phục vụ quản lý, điều hành, hoạch định chính sách, hỗ trợ ra quyết định, hướng tới người dân và doanh nghiệp, phát triển kinh tế-xã hội bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; góp phần phát triển Chính phủ điện tử tiến tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh.
Mục tiêu cụ thể của Đề án là xây dựng nền tảng số liên ngành về đồng bằng sông Cửu Long đa lĩnh vực, từ các cơ quan trung ương, địa phương, Ủy ban sông Mekong Việt Nam, Ủy hội sông Mekong quốc tế và các tổ chức có liên quan khác. Thiết lập, vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành về đồng bằng sông Cửu Long trên cơ sở triển khai các giải pháp tích hợp, kết nối, chia sẻ, liên thông các cơ sở dữ liệu của bộ, ngành trung ương, địa phương, Ủy ban sông Mekong Việt Nam, Ủy hội sông Mekong quốc tế và cơ quan, tổ chức có liên quan. Ban hành cơ chế hoạt động và duy trì vận hành lâu dài của hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành về đồng bằng sông Cửu Long.
Phát triển hệ sinh thái số, xây dựng tập dữ liệu về đồng bằng sông Cửu Long, cung cấp dữ liệu, các sản phẩm tri thức, hệ thống ứng dụng thông minh theo nhiều hình thức khác nhau, thông qua các kênh thông tin hiện đại, trực tuyến nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động công vụ, cung cấp dịch vụ công cho xã hội, hỗ trợ hoạch định các chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, phát triển kinh tế – xã hội bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, cộng đồng đóng góp, thu nhận, cập nhật và khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu; triển khai xây dựng hạ tầng dữ liệu số, cung cấp dịch vụ số phục vụ phát triển kinh tế – xã hội bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Để đạt được các mục tiêu trên, Đề án đặt ra các nhiệm vụ cụ thể như: Hoàn thiện cơ chế chính sách và các quy định kỹ thuật; thiết lập, vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành về đồng bằng sông Cửu Long (xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành trung ương và địa phương; vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành về đồng bằng sông Cửu Long; phát triển hệ sinh thái số và các ứng dụng tri thức, hệ thống thông minh về đồng bằng sông Cửu Long); hợp tác quốc tế, đào tạo, chuyển giao công nghệ và truyền thông.
Đề án cũng đưa ra 5 giải pháp để thực hiện, gồm: Giải pháp về công nghệ; giải pháp về an toàn, bảo mật thông tin; giải pháp về cơ chế chính sách; giải pháp về tài chính; giải pháp về tuyên truyền, nâng cao nhận thức.