Việt Nam và ASEAN trao đổi về mô hình sandbox nhằm thúc đẩy sáng tạo số

Sáng 12/8, tại Hà Nội, Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) đã chủ trì tổ chức Diễn đàn ASEAN về Đổi mới sáng tạo số lần thứ nhất. Đây là chương trình hợp tác chung về ICT giữa các nước thành viên trong khu vực ASEAN.

Diễn đàn đổi mới sáng tạo số ASEAN là hoạt động nằm trong chương trình hợp tác và triển khai Khuôn khổ quản trị dữ liệu số ASEAN (ASEAN Framework on Digital Data Gorvernance).

Diễn đàn ASEAN về Đổi mới sáng tạo số là nơi nhằm thảo luận về chính sách, môi trường quản lý, góp phần thúc đẩy phát triển đổi mới sáng tạo số và hướng đến chương trình nghị sự số trong khu vực.

Chương trình của diễn đàn bao gồm các phiên về cập nhật chính sách và quản lý đổi mới sáng tạo số của các nước ASEAN. Tại đây, các nước sẽ cùng nhau trao đổi về mô hình quản lý sandbox, phát triển hệ sinh thái sáng tạo số và các bài học thực tế, triển khai Internet vạn vật và đô thị thông minh, 5G và phát triển ASEAN số, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây và các hoạt động ưu tiên thúc đẩy hợp tác giữa các nước ASEAN.

Chia sẻ tại diễn đàn, đại diện Hiệp hội thông tin di động toàn cầu (GSMA) đã nêu khuyến nghị nhằm hướng các nước ASEAN tới việc thúc đẩy sáng tạo số dựa trên 4 nội dung chính: Quản trị dữ liệu số, Thúc đẩy môi trường pháp lý cho sáng tạo, Thiết lập các quy định nền tảng cho 5G và Thu hẹp khoảng cách sử dụng, kết nối.

Đối với quản trị dữ liệu số, ASEAN cần phải thiết lập không gian thử nghiệm chính sách và xây dựng các quy định bảo mật dữ liệu thông minh.

Để thúc đẩy môi trường pháp lý cho đổi mới sáng tạo, các nước ASEAN cần xác định mỗi vấn đề chính sách như “một trường hợp thử nghiệm”, từ đó sẽ nhìn thấy lợi ích của việc chấp nhận các nguyên tắc của một khung pháp lý phù hợp, hợp tác, toàn diện và chủ động cho ASEAN.

Để thúc đẩy mạng 5G, các nước cần ASEAN cần có những quy định để đảm bảo phổ tần được hài hoà hoá và có chi phí hợp lý, đáp ứng việc phát triển mạng lưới và linh hoạt trong quy định để đảm bảo các dịch vụ 5G sáng tạo.

Để thu hẹp khoảng cách kết nối và sử dụng, cần phải có các sáng tạo về hạ tầng mạng lưới nông thôn, các mô hình kinh doanh mới.

Tại Diễn đàn, ông Nguyễn Thanh Tuyên – Phó Vụ trưởng Vụ CNTT (Bộ TT&TT) đã giới thiệu về chương trình hỗ trợ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo khởi nghiệp quốc gia năm 2025. Đây là chương trình nhằm tạo môi trường thúc đẩy, hỗ trợ việc hình thành và phát triển các doanh nghiệp thông qua việc khai thác sở hữu trí tuệ, công nghệ và các mô hình kinh doanh mới.

Việt Nam cũng đang dự thảo Chiến lược Chuyển đổi số Quốc gia với sự tham gia của các bộ, ngành, tổ chức. Nền tảng của chuyển đổi số tại Việt Nam sẽ bao gồm hạ tầng số, nghiên cứu sáng tạo, an toàn an ninh mạng, nguồn nhân lực, các doanh nghiệp và tổ chức số.

Theo ông Nguyễn Thanh Tuyên, để thúc đẩy nghiên cứu đổi mới sáng tạo, cần có các chương trình dành cho công nghệ mới, tăng đầu tư cho công nghệ, kết nối chuỗi tri thức từ nghiên cứu đến thị trường. Bên cạnh đó, cần có sự hợp tác giữa chính phủ với doanh nghiệp, giới học thuật, chuyên gia để xây dựng chính sách và thúc đẩy hợp tác quốc tế về nghiên cứu và phát triển công nghệ số.

Thông qua Diễn đàn, đại biểu các nước ASEAN sẽ cùng nhau thảo luận về các chương trình nghị sự, cơ chế và cách thức làm việc nhằm tăng cường hợp tác đổi mới sáng tạo số trong khu vực

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *