Sản xuất phần mềm: Thách thức và cơ hội

Mấu chốt của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (4.0) là hệ thống liên kết thế giới thực và ảo, với sự kết hợp của nhiều công nghệ, nhiều lĩnh vực khoa học kỹ thuật khác nhau, đặc biệt là CNTT. Và cho đến nay chưa có phân định rõ về vai trò dẫn dắt của bất cứ nền kinh tế nào trên thế giới. Bởi lẽ đó, nhiều nhà chuyên môn cho rằng Việt Nam vẫn có lợi thế cạnh tranh công bằng ngay từ đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với nền tảng sẵn có về CNTT.

Thách thức cho cả DN và Nhà nước

Tất nhiên, cơ hội và thách thức vẫn luôn song hành. Cơ hội càng nhiều thì thách thức càng lớn. Do đó, dù nhiều lần khẳng định bằng những con số tăng trưởng ấn tượng về doanh thu của ngành CNTT hàng năm nói chung và xuất khẩu phần mềm nói riêng, nhưng Việt Nam vẫn gặp không ít thách thức trước các đối thủ tại Châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc, Nga, Malaysia và Philippines.

Theo đó, thách thức hàng đầu mà ngành dịch vụ phần mềm đang đối mặt là nguồn nhân lực thành thạo các kỹ năng chuyên môn và thuần thục về ngoại ngữ. Theo ông Việt Hồ – CPO Russell Investment – trong tương lai, Philippinnes sẽ là đối thủ nặng ký vì cũng có những lợi thế tương tự Việt Nam nhưng lao động tại đây giỏi ngoại ngữ hơn. Bên cạnh đó, khi nhu cầu tuyển dụng ngày càng tăng thì sự phát triển của lực lượng nhân sự mới cho ngành CNTT lại chưa đạt được tốc độ đồng hành tương xứng. Thống kê từ trang mạng việc làm Vietnamworks cho rằng nếu tăng trưởng nhân lực ngành CNTT chỉ ở mức 8% như hiện nay thì Việt Nam sẽ thiếu khoảng 78.000 nhân lực mỗi năm từ nay cho đến năm 2020. Và nếu cứ đà này thì lượng thiếu hụt đến năm 2020 sẽ là nửa triệu người.

Ông Nguyễn Hữu Lệ – Chủ tịch HĐQT TMA Solutions – cho rằng một khó khăn lớn khác của ngành phần mềm là sự phát triển manh mún. Vì vậy, khả năng đầu tư cho đào tạo để tiếp cận công nghệ mới rất giới hạn. “Sau 15 năm phát triển ngành dịch vụ công nghệ thông tin thì đến nay số DN có trên 500 nhân sự chỉ chưa đến 2 bàn tay, số DN trên 1.000 người chỉ còn 1 bàn tay, và số DN trên 2.000 người chỉ còn 1 ngón tay”, vị đại diện TMA hài hước nhận xét.

Đó là chưa kể DN Việt Nam còn bị “bệnh Ấn Độ”, tức tỷ lệ nhảy việc hàng năm của nhân lực ngành CNTT nói chung, sản xuất phần mềm nói riêng là khá lớn. Trong khi các DN ở xứ sở cà ri có thể đương đầu được với hiện tượng này nhờ quy mô lớn và hàng chục năm kinh nghiệm thương trường thì Việt Nam với DN chủ yếu là SMEs nên khả năng xử lý khó khăn này cũng bị giới hạn.

Ngoài ra, theo bà Nguyễn Thị Kiều Quyên – GĐ Điều hành Công ty S3 Corp – khâu đối ngoại và truyền thông về ngành xuất khẩu phần mềm tại nước ngoài vẫn chưa nhận được hỗ trợ thích đáng. “Truyền thông tốt thì mới khẳng định được thương hiệu phần mềm made in Vietnam để có mức giá cao hơn, tránh tình trạng cạnh tranh bằng giá rẻ hoặc phá giá”, bà Quyên chia sẻ.

Đồng tình với quan điểm này, đại diện TMA Solutions còn cho rằng thời gian qua thiếu vắng hoạt động quảng bá và chương trình xúc tiến thương mại hiệu quả cho ngành CNTT khiến dòng vốn đầu tư vào ngành này rất hạn hẹp.

Pha màu sáng cho bức tranh phần mềm

Để pha thêm “màu sáng” cho bức tranh chung của ngành CNTT Việt Nam, những tập đoàn lớn về công nghệ như FPT hay LogiGear Corp đều cho rằng cần tập trung vào đào tạo và nuôi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Theo đó, cần có những chính sách hỗ trợ để thu hút người học, xóa bỏ “quota” tuyển sinh đào tạo kỹ sư công nghệ thông tin; Miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân cho lao động khu vực này. Nhiều DN cũng mong muốn có được hệ cơ sở dữ liệu của ngành CNTT với những thống kê, dự báo toàn diện và kịp thời. Và không kém phần cấp bách là câu chuyện về xây dựng hình ảnh thương hiệu quốc gia, đưa Việt Nam trở thành điểm đến hàng đầu về CNTT khu vực châu Á và thế giới.

Về phần các doanh nghiệp, bởi cung không đủ cầu về nguồn nhân lực nên mỗi DN cần có kế hoạch đào tạo nhân lực cho riêng mình, tránh tình trạng “săn” người của nhau làm thị trường càng thêm rối loạn, người lao động “ảo hóa” trình độ chuyên môn của mình và nhảy việc thường xuyên.

Còn ông Nguyễn Quốc Hùng – Chủ tịch Tập đoàn LogiGear Corp – cho rằng DN cần thay đổi về tư duy làm dịch vụ CNTT trong thời đại mới. Bởi đòi hỏi về tần suất cập nhật sản phẩm không còn là “6 tháng ra 1 phiên bản” như trước đây nữa, mà đã tăng lên đến mức có những phần mềm cứ khoảng 10 phút hoặc 1 tiếng là đã có phiên bản mới. “Lúc này ngành dịch vụ phần mềm đòi hỏi về năng lực nhiều hơn là lợi thế giá rẻ”, ông Hùng khẳng định.

Đại diện S3 Corp và hàng loạt DN khác thì tin rằng cần đẩy mạnh văn hóa M&A, liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp phần mềm nhiều hơn nữa. Những công ty nhỏ không có điều kiện đầu tư công nghệ mới thì nên tìm cách hợp tác với các DN lớn có trung tâm sáng tạo hoặc bộ phận nghiên cứu phát triển bài bản để cùng nhau tạo sức mạnh chung khi “đem chuông đi đấm xứ người”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *