Kiến nghị Chính phủ 5 giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị ngành TT&TT

Trong tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 10/4, Bộ TT&TT báo cáo: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngay từ những ngày đầu cả nước chung tay chống dịch, Bộ đã sớm triển khai nhiều giải pháp cụ thể, hữu hiệu trên cả 6 lĩnh vực quản lý của Bộ để góp phần ngăn chặn và hạn chế tốc độ lây lan của dịch bệnh.

Tuy nhiên, Bộ TT&TT cũng cho biết, trước tình hình đại dịch diễn biến phức tạp, mặc dù đã có rất nhiều cố gắng khắc phục khó khăn, song các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp hoạt động trong lĩnh vực TT&TT đang gặp phải nhiều khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ và hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trên cơ sở báo cáo rõ những khó khăn cụ thể của các doanh nghiệp, đơn vị hoạt động trong các lĩnh vực TT&TT (bưu chính và chuyển phát; viễn thông; CNTT; các cơ quan báo chí, đài phát thanh, truyền hình; các nhà xuất bản, doanh nghiệp in và phát hành), Bộ TT&TT đã kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp cấp bách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, đơn vị.

Những đề xuất kiến nghị của Bộ TT&TT nhằm góp phần giảm bớt khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, hoạt động thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, cung cấp thông tin thiết yếu cho xã hội; nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2020 đã đề ra theo kết luận của Trung ương Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, về hỗ trợ các cơ quan báo chí thực hiện nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19, Bộ TT&TT đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có gói hỗ trợ cấp bách của ngân sách trung ương năm 2020 để giao nhiệm vụ, đặt hàng cho các cơ quan báo chí tự đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên và cơ quan báo chí tự đảm bảo một phần chi thường xuyên.

Trong đó, hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ cấp bách về tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh và tình hình khắc phục tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, tình hình phục hồi hoạt động kinh tế – xã hội sau đại dịch; hỗ trợ các cơ quan báo chí duy trì hoạt động thường xuyên phục vụ nhiệm vụ chính trị, cung cấp thông tin thiết yếu cho xã hội.

Bộ TT&TT cũng đề nghị Chính phủ cho phóng viên, lao động cơ quan báo chí trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền phòng, chống dịch vào diện người lao động tham gia phòng, chống dịch và được hưởng một số chế độ đặc thù theo Nghị quyết 37/NQ-CP ngày 29/3/2020 của Chính phủ về một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đề xuất của Bộ TT&TT, tùy từng trường hợp cụ thể, được áp dụng các mức phụ cấp theo quy định: phụ cấp cho đối tượng tiếp xúc với người lây nhiễm đối với phóng viên tiếp xúc với người lây nhiễm; phụ cấp cho người thực hiện nhiệm vụ (không phải là chuyên môn y tế) tại cơ sở cách ly tập trung đối với phóng viên làm nhiệm vụ tác nghiệp tại các khu cách ly tập trung; phụ cấp cho người làm công tác thường trực chống dịch đối với phóng viên và cán bộ cơ quan báo chí làm công tác thường trực viết, đưa tin, bài về phòng, chống dịch bệnh.

Với các đài phát thanh, truyền hình hiện nay đang được ngân sách nhà nước cấp (một phần hoặc toàn bộ), Bộ TT&TT đề nghị cho các đơn vị này gia hạn thời gian thực hiện tự chủ chi thường xuyên sang năm 2022, thay vì năm 2020 như quy định trong quy hoạch báo chí.

Đồng thời, kiến nghị cho phép các cơ quan báo chí được sử dụng Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp hiện có của đơn vị để chi cho một số hoạt động phục vụ công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh trong cơ quan, mua sắm trang thiết bị phục vụ tác nghiệp của phóng viên, bổ sung thu nhập đảm bảo đời sống vật chất cho cán bộ, phóng viên trong thời gian bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.

Cùng với đó, Bộ TT&TT kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho tạm dừng việc thu đóng góp nghĩa vụ tài chính của các doanh nghiệp viễn thông cho Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam trong năm 2020, vì tính đến hết năm 2019 Quỹ đã thu 7.940 tỷ đồng, vượt 640 tỷ đồng so với tổng mức kinh phí của Chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 868/QĐ-TTg ngày 16/7/2018.

Theo đó, số dự kiến đóng góp của các doanh nghiệp viễn thông trong năm nay là 880 tỷ đồng sẽ được để lại nhằm hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của quốc gia theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bộ TT&TT cũng kiến nghị Chính phủ cho phép kéo dài thời hạn Visa và đồng thời cho phép chuyên gia nước ngoài của doanh nghiệp CNTT vào Việt Nam để đảm bảo các hoạt động liên tục và ổn định sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, trên cơ sở tuân thủ các khuyến nghị, yêu cầu của Bộ Y tế.

Đồng thời, đề xuất xem xét, bổ sung thêm đối tượng được áp dụng gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất quy định tại Điều 2 Nghị định 41/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19, bao gồm: các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực bưu chính, nội dung số; sản xuất, kinh doanh thiết bị CNTT; sản xuất phần mềm và dịch vụ CNTT, an toàn thông tin; doanh nghiệp lĩnh vực xuất bản, in, phát hành; phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử; các đơn vị sự nghiệp báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình là những đối tượng được gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất.

Bộ TT&TT cũng đề xuất đưa các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực: bưu chính, CNTT, in, phát hành và các cơ quan báo chí, nhà xuất bản vào danh sách đối tượng được tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động đến hết tháng 12/2020.

Cùng ngày 10/4/2020, Bộ TT&TT đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, đơn vị trong lĩnh vực TT&TT.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *