Chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất, giải pháp nâng cao hiệu quả xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội nghị sơ kết Dự án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai (giai đoạn 1). Tham dự có Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hữu Thành; nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển; Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Đào Trung Chính; cùng đại diện một số Bộ ngành, đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường 18 tỉnh, thành phố và 3 huyện điểm tham gia thử nghiệm, chuyển giao và vận hành cơ sở dữ liệu địa chính.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết, thực hiện Quyết định số 1975/QĐ-TTg ngày 30 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Dự án “Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai”, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giao Tổng cục Quản lý đất đai là đơn vị chủ trì thực hiện Dự án. Đến nay, Dự án đã hoàn thành giai đoạn 1 với một số kết quả như: Hoàn thành Thiết kế hệ thống thông tin đất đai thống nhất từ Trung ương đến địa phương phù hợp với Khung kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, kiến trúc Chính phủ điện tử của các địa phương. Đã xây dựng, triển khai 09 phân hệ phần mềm phục vụ việc quản lý, cập nhật và khai thác cơ sở dữ liệu đất đai đa mục tiêu. Hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu hiện trạng đất trồng lúa chi tiết đến cấp xã của 61 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương (trừ Vĩnh Long và Bến Tre đã thực hiện trong Dự án VLAP).

Bên cạnh đó, Dự án cũng đã thực hiện đồng bộ cơ sở dữ liệu (CSDL) đất đai của 9 tỉnh, thành phố thuộc dự án VLAP vào CSDL quốc gia về đất đai; đồng bộ CSDL đất đai của các huyện điểm thuộc Dự án tổng thể xây dựng hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai vào cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; chuẩn hóa và thử nghiệm đồng bộ CSDL đất đai của 02 đơn vị hành chính cấp huyện là thị xã Long Khánh – tỉnh Đồng Nai và Quận 6 – TP. Hồ Chí Minh; thử nghiệm xây dựng, chuyển giao và vận hành CSDL địa chính của 03 huyện điểm: huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương; huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình; huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Dự án cũng đã tập trung hoàn thành xây dựng các quy chế quản lý, cập nhật, khai thác, bảo trì, bảo mật CSDL quốc gia về đất đai; tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo cho cán bộ ở Trung ương và địa phương về phần mềm quản lý CSDL đất trồng lúa; tích hợp dữ liệu, an ninh bảo mật, an toàn dữ liệu, hệ thống phần mềm gốc, hệ thống thông tin địa lý (GIS) và vận hành bảo trì hệ thống.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa cũng đề nghị đơn vị chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị tham gia triển khai dự án tính toán kỹ lưỡng các phương án triển khai; bảo đảm xác định được chính xác khối lượng dữ liệu đầu vào để thực hiện xây dựng CSDL hiện trạng đất trồng lúa chi tiết đến cấp xã; bảo đảm cập nhật kịp thời và khảo sát đúng khối lượng thửa đất và hồ sơ có liên quan để xây dựng CSDL địa chính tại một số địa bàn…

Hội nghị cũng đã được nghe ông Cao Tiến Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu và Thông tin đất đai báo cáo chi tiết về tình hình và các kết quả của Dự án; ông Khuất Hoàng Kiên, Phó cục trưởng cục Công nghệ thông tin và dữ liệu tài nguyên và môi trường giới thiệu và trình diễn các sản phảm về kiến trúc tổng thể hệ thống CSDL Quốc gia về đất đai; ông Nguyễn Xuân Trường, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu và Thông tin đất đai giới thiệu về hệ thống CSDL Quốc gia về đất đai.

Tại hội nghị các đại biểu đã tập trung đánh giá kết quả, hiệu quả đã đạt được so với yêu cầu, mục tiêu đặt ra của Dự án; trao đổi chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng, quản lý và vận hành CSDL đất đai, đưa ra các định hướng, giải pháp để tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của Dự án.

Dự án Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai (giai đoạn 1) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai theo số 1975/QĐ-TTg ngày 30 tháng 10 năm 2013. Mục tiêu của dự án nhằm xây dựng CSDL quốc gia về đất đai đa mục tiêu thống nhất từ Trung ương đến địa phương; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương về đất đai; đẩy mạnh CCHC, hỗ trợ ra quyết định của các cấp quản lý, xây dựng Chính phủ điện tử, củng cố hoàn thiện tổ chức và cơ chế chính sách trong lĩnh vực quản lý đất đai; đáp ứng nhu cầu khai thác thông tin đất đai của các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân phục vụ phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa cho rằng, Hội nghị đã cung cấp được rất nhiều giải pháp, đề xuất từ các đơn vị trong và ngoài Bộ Tài nguyên và Môi trường; cũng như đã được nghe ý kiến tham luận chuyên môn sâu của các đại biểu, chuyên gia, ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực công nghệ thông tin từ các Bộ, ngành và từ Sở Tài nguyên và Môi trường. Thông qua các nội dung đó đã góp phần hoàn thiện, bảo đảm thực hiện được hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của Dự án.

Để triển khai Giai đoạn 2 của Dự án, Thứ trưởng cho rằng Dự án “Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai” cần phải tập trung hoàn thiện Thiết kế tổng thể và xây dựng Hệ thống thông tin đất đai thành một hệ thống thống nhất trên phạm vi cả nước, phục vụ đa mục tiêu; theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, quốc tế được công nhận tại Việt Nam. Thứ trưởng nhấn mạnh tới các nội dung và nhiệm vụ chủ yếu trong giai đoạn tới.

Thứ nhất, cần hoàn thiện các văn bản pháp lý về quản lý, cập nhật, khai thác, vận hành, bảo trì và bảo mật CSDL đất đai quốc gia đảm bảo tính thống nhất, tính đồng bộ, đúng trách nhiệm, đúng thẩm quyền của tổ chức, cá nhân tham gia hệ thống thông tin đất đai từ cấp Trung ương đến các cấp địa phương. Xây dựng các quy định kỹ thuật về cấu trúc dữ liệu đất đai trao đổi với các CSDL quốc gia khác (dân cư, xây dựng, thuế, ngân hàng,…); các quy chế phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong việc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai. Đồng thời xây dựng được danh mục các loại phí dịch vụ khai thác thông tin đất đai và thanh toán điện tử theo hướng minh bạch để duy trì và phát triển Hệ thống thông tin đất đai bền vững.

Thứ hai, xây dựng, tích hợp, đồng bộ chung vào hệ thống CSDL đất đai quốc gia gồm: CSDL thống kê, kiểm kê đất đai, CSDL quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, CSDL giá đất theo quy định tại Thông tư số 05/2017/TT- BTNMT ngày 25 tháng 4 năm 2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Thực hiện cập nhật, tích hợp đầy đủ CSDL đất đai do địa phương cung cấp và hoàn chỉnh CSDL đất đai quốc gia . Xây dựng, nâng cấp hệ thống phần mềm phục vụ việc quản lý, cập nhật, khai thác CSDL đất đai thống nhất từ Trung ương đến địa phương theo quy định;

Thứ ba, hoàn thiện hệ thống thông tin đất đai quốc gia và xây dựng mô hình giao dịch đất đai điện tử – nhiệm vụ đã được quy định tại Quyết định số 3455/QĐ-BTNMT ngày 28 tháng 12 năm 2015 về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử. Thực hiện thí điểm kết nối, trao đổi dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai với cơ sở dữ liệu quốc gia khác.

Tại Hội nghị này, trên cơ sở ý kiến đóng góp tại Hội nghị, Thứ trưởng giao Tổng cục Quản lý đất đai phối hợp chặt chẽ với Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường và các địa phương tổ chức triển khai các nhiệm vụ của Dự án đảm bảo theo đúng yêu cầu xây dựng CSDL đất đai đã được Thủ tướng Chính phủ giao.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *