Việt Nam đã “lỡ nhịp” cả ba cuộc cách mạng công nghệ

Sáng nay (17/11), tại Hội thảo về năng lực cạnh tranh và phát triển bao trùm trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 (CMCN 4.0) do Bộ Ngoại giao tổ chức, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh đến sự thay đổi của một thế giới siêu kết nối số và những cơ hội cũng như thách thức của Việt Nam trong bối cảnh này.

Từ bài học của thế giới…

Phó Thủ tướng cho biết, CMCN đang làm thay đổi nhanh chóng và sâu rộng cuộc sống, hành vi của mỗi người dân, tạo điều kiện thuận lợi để tăng năng suất và phát sinh ra những mô hình, cách thức kinh doanh mới. Với cách tiếp cận phù hợp, cộng đồng thu nhập thấp cũng có khả năng tham gia và có cơ hội hưởng lợi trực tiếp từ những thành quả mà cuộc Cách mạng này mang lại.

Thực tế chứng minh, các quốc gia đang phát triển hoàn toàn có thể bắt kịp và vượt các quốc gia phát triển trong cuộc CMCN 4.0. Phó Thủ tướng cho hay, nếu như đại đa số người dân ở châu Âu và Bắc Mỹ chưa có thói quen sử dụng thanh toán qua di động, thì 90% dân số trưởng thành ở Kenya, trên 40% dân số trưởng thành ở tại Tanzania, Zimbabwe, hay Namibia thường xuyên sử dụng phương thức thanh toán thuận tiện này.

Ông cũng đưa ra một loạt dẫn chứng về Uber – công ty thường được nhắc tới như ví dụ tiêu biểu trong CMCN 4.0 nhưng đã phải “quy phục” tại thị trường Trung Quốc cho Didi Chuxing – một đối thủ địa phương, đồng thời bị cạnh tranh gay gắt bởi Grab tại Việt Nam và nhiều quốc gia Đông Nam Á.

Alibaba giúp hàng triệu hộ kinh doanh và doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Trung Quốc tham gia vào nền kinh tế số, tăng sức cạnh tranh của quốc gia này trên phạm vi toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp tại Ấn Độ cũng đang tạo nên sự khác biệt.

Thế giới hôm nay, với nhiều công nghệ đột phá mang tính sáng tạo phá hủy đã loại bỏ dần ưu thế của kinh nghiệm, của hạ tầng cũ, của mô hình kinh doanh cũ. “Trong thời đại này, tương lai và triển vọng kinh tế không nằm trên đường kéo dài của quá khứ, nên một quốc gia đang phát triển, với ít hành trang của quá khứ, hoàn toàn có thể đi nhanh hơn và đuổi kịp các nước phát triển” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

… đến “khát vọng” phát triển của Việt Nam

Ở Việt Nam, với thị trường trên 93 triệu dân, lợi thế dân số trẻ, ngày càng được tiếp cận chất lượng giáo dục ưu việt hơn, tỷ lệ tiếp cận Internet cao, khả năng ngoại ngữ được cải thiện, một nền kinh tế mở đang hội nhập nhanh, trong một khu vực kinh tế phát triển năng động có những lợi thế nhất định trong việc đuổi kịp các quốc gia đi trước.

Trong lĩnh vực hạ tầng kết nối viễn thông, chúng ta cũng đã có những thành công đáng kể. Với 93 triệu dân, chúng ta có trên 130 triệu thuê bao di động. Vùng phủ 4G lên đến 99% số quận huyện với gần 60 triệu kết nối mobile băng thông rộng (3G, 4G).

 


Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại hội thảo

Hiện nay 55% dân số đã thường xuyên kết nối Internet – con số được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng nhanh. Nhiều khả năng, chỉ số kết nối của Việt Nam trong những năm tới sẽ được cải thiện. Đây là nền tảng thuận lợi để những mô hình kinh doanh mới, dựa trên kết nối số phát triển nhanh.

Tuy nhiên, Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, do điều kiện lịch sử, Việt Nam đã lỡ nhịp cả ba cuộc cách mạng công nghệ trước đây. Muốn đi trước đầu tiên phải tạo được môi trường cho cái mới. Chúng ta cần sự chuẩn bị nghiêm túc, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, thì mới có thể nắm bắt thời cơ thực hiện được khát vọng thay đổi đất nước.

Từ góc độ là một Chính phủ kiến tạo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định Chính Phủ Việt Nam cam kết sẽ thường xuyên đối thoại, làm việc chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia trong và ngoài nước để tìm hiểu và loại bỏ các rào cản, các vấn đề đã và có thể sẽ phát sinh…

Chính phủ sẽ tiếp tục đầu tư, nâng cấp hạ tầng kết nối số bao gồm hạ tầng cứng giúp mọi cá nhân, mọi thiết bị, cảm biến được kết nối mọi lúc, mọi nơi, an toàn, với tốc độ cao, theo thời gian thực; và hạ tầng mềm bao gồm những vấn đề như các qui chuẩn, tiêu chuẩn, qui định pháp lý về giao dịch số, chữ ký số, thanh toán điện tử, các dịch vụ công nghệ tài chính (Fintech), sở hữu trí tuệ.

Chính phủ cũng cam kết đẩy số hóa trong lĩnh vực quản trị công: Đây cũng là điều kiện tiên quyết để đạt được một tầm nhìn thống nhất về chính phủ điện tử (e-government) với các công dân điện tử (e-citizen) trong một nền kinh tế kết nối số.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *