Cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ 4 tạo ra cơ hội và thách thức mới cho công tác ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử đòi hỏi các Bộ, ngành, địa phương tổ chức nghiên cứu, tìm hiểu về CMCN lần thứ 4 để điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch, chương trình, đề án, dự án về ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử nhằm tận dụng được cơ hội do CMCN mang lại
Sáng 5/4, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ (VPCP) phối hợp với UBND TP.Hà Nội và Tập đoàn Dữ liệu Quốc gia Việt Nam IDG tổ chức Hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử năm 2017 với chủ đề “Phát triển Chính phủ điện tử trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ 4: Tầm nhìn và Giải pháp công nghệ”.
Tham dự Hội thảo có: Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng; Phó Chủ nhiệm VPCP Lê Mạnh Hà; Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Ngô Văn Quý; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng; Phó Chủ nhiệm Uỷ ban dân tộc Lê Sơn Hải; Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Đà Nẵng Đặng Việt Dũng cùng đại diện Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố; đại diện các bộ, ban, ngành, doanh nghiệp CNTT…
Triển khai Chính phủ điện tử cần đi vào thực chất
Trao đổi tại hội thảo, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo đã tạo đà cho sự phát triển mạnh mẽ của KHCN, tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân chủ động tham gia vào quá trình nghiên cứu sáng tạo, thụ hưởng nhiều thành tựu của sản phẩm công nghệ cao.
Nắm bắt thời cơ, cơ hội và thách thức của cuộc CMCN lần thứ 4, trong những năm qua Quốc hội đã phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ xem xét, xây dựng hoàn thiện thể chế thông qua Hiến pháp năm 2013 và nhiều đạo luật quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội KHCN, bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước bằng pháp luật trên tất cả lĩnh vực của cuộc sống.
“Tuy nhiên, để xã hội thực sự vững vàng trong bối cảnh đầy biến động của cuộc CMCN lần thứ 4 có rất nhiều việc phải làm. Một trong những việc làm đó là phải cải cách mạnh mẽ cách làm của chúng ta hiện nay, mọi hoạt động của chúng ta phải thực sự khoa học, tối ưu thì năng suất mới cao được”, ông Phan Xuân Dũng nhấn mạnh.
Theo ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, cuộc CMCN lần thứ 4 với sự xuất hiện những xu thế công nghệ mới đã và đang làm căn bản cuộc sống, mang lại cả thách thức và cơ hội cho người dân, doanh nghiệp, chính phủ… Các Chính phủ sẽ phải thay đổi cách tiếp cận với những cam kết trước công chúng và với việc làm chính sách. Chính phủ điện tử không phải là mục tiêu cuối cùng. Mục tiêu cuối cùng của mọi Chính phủ là phục vụ tốt nhất mọi người dân.
Còn theo Phó Chủ nhiệm VPCP Lê Mạnh Hà, cốt lõi của cuộc CMCN lần thứ 4 vẫn là CNTT, chính quyền tập trung cho phát triển chính quyền điện tử các cấp. Do đó, việc triển khai Chính phủ điện tử cũng như việc phát triển thành phố thông minh không thể làm phong trào mà cần làm thực chất, đi vào thực chất.
Bước đầu có kết quả tích cực
Trong những năm gần đây, ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu cho sự phát triển của chính phủ điện tử nói riêng cũng như sự phát triển của kinh tế-xã hội nói chung. Một trong những mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử là “đến hết năm 2017 Việt Nam nằm trong nhóm 3 quốc gia đứng đầu ASEAN về chỉ số dịch vụ công trực tuyến (OSI) và chỉ số phát triển Chính phủ điện tử (EDGI) của Liên Hợp Quốc”.
Phó Chủ nhiệm VPCP Lê Mạnh Hà cho biết, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung triển khai thực hiện nhiệm vụ đẩy mạnh phát triển, ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử, bước đầu đạt được một số kết quả tích cực.
Việc thực hiện Chính phủ điện tử trong thời gian qua đã tạo nên những thay đổi quan trọng, mang tính hệ thống hơn. Việt Nam đã có những hệ thống mang tính quốc gia như hệ thống hải quan, thuế, đăng ký doanh nghiệp…
Đối với hệ thống quản lý văn bản – cốt lõi của Chính phủ điện tử, tính đến quý I/2017, đã có 26/30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành kết nội liên thông phần mềm quản lý văn bản với VPCP, hình thành một hệ thống quản lý văn bản điện tử thống nhất, thông suốt từ trung ương đến địa phương, cho phép tự động nhận biết được trạng thái xử lý văn bản giữa các cơ quan.
VPCP về cơ bản hoàn thiện liên thông văn bản điện tử với UBND TPHCM, đây sẽ là mô hình mẫu để mở rộng ra toàn quốc. Tiếp theo TPHCM, VPCP sẽ tiếp tục triển khai, hoàn thành liên thông với 7 Bộ, ngành, địa phương là Bộ VHTT&DL, Thanh tra Chính phủ, các tỉnh/thành phố: Đà Nẵng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Long An, Đồng Nai.
Bên cạnh đó, đối với việc công khai tiến độ hồ sơ, 63/63 tỉnh, thành phố và 19/30 bộ, ngành đã công khai tiến độ xử lý hồ sơ trên Cổng TTĐT Chính phủ. VPCP cũng công khai việc xử lý văn bản của lãnh đạo VPCP, lãnh đạo Chính phủ.
Về cung cấp dịch vụ công trực tuyến, trong tổng số 83 dịch vụ công trực tuyến giao cho 20 bộ, ngành, đến nay, các bộ, ngành đã triển khai thực hiện 78/83 dịch vụ công trực tuyến; trong tổng số 44 dịch vụ công trực tuyến giao cho các địa phương, đến nay có 32/63 đại phương đã triển khai thực hiện.
Mặc dù bước đầu đã đạt được một số kết quả khả quan, nhưng vẫn còn nhiều thách thức, khó khăn trong lộ trình xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử để có thể hoàn thành được các nhiệm vụ đã đề ra tại Nghị quyết 36a, đạt được mục tiêu cải cách toàn diện 3 nhóm chỉ số dịch vụ công trực tuyến (OSI), hạ tầng viễn thông và nguồn nhân lực (HCI), đặc biệt phấn đấu hết 2017, Việt Nam sẽ nằm trong 3 nhóm nước dẫn đầu ASEAN về chỉ số dịch vụ công trực tuyến (OSI).
Theo Phó Chủ nhiệm VPCP Lê Mạnh Hà, năm 2017 này sẽ tiếp tục là thời điểm quan trọng trong lộ trình triển khai Chính phủ điện tử tại Việt Nam, đặc biệt là trong việc hoàn thiện khung kiến trúc cho Chính phủ điện tử, xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia, kết nối thông tin liên thông xuyên suốt giữa các bộ, ngành, triển khai xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 song hành với việc tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.
Đây cũng chính là thời điểm mà Chính phủ cùng với các bộ, ngành cần thể hiện rõ quyết tâm cũng như phối hợp chặt chẽ hơn nữa nhằm khắc phục những hạn chế còn tồn tại để có thể hoàn thành được những mục tiêu mà Nghị quyết 36a đề ra.
Nắm bắt cơ hội
Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, đánh giá về thực trạng và đề ra những giải pháp cho việc ứng dụng CNTT trong sự phát triển của Chính phủ điện tử, nhằm tăng cường năng lực quản lý điều hành của các cơ quan nhà nước đồng thời nâng cao mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với các dịch vụ công.
Theo ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hoá, Bộ TT&TT, CMCN lần thứ 4 có một số đặc trưng như: xu hướng phát triển sản xuất thông minh kết hợp công nghệ tự động hóa, CNTT dựa trên nền tảng công nghệ BigDataAnalytics, máy móc tự động hóa và tích hợp con người – máy móc; robot thay thế dần con người trong nhiều hoạt động, công nghệ nano, công nghệ sinh học được áp dụng rộng khắp,… Do đó, Việt Nam có thể kết hợp các công nghệ mới của CMCN lần thứ 4 để tối ưu hóa quy trình, phương thức quản lý, hoạt động, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân…Tuy nhiên, thách thức đặt ra, đó là cần nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của cơ quan nhà nước phù hợp với sự phát triển của CMCN lần thứ 4; thay đổi tư duy và cách thức quản lý phù hợp cũng như tăng cường an toàn, an ninh thông tin, an ninh mạng.
Các ý kiến tại hội thảo cũng đều cho rằng Chính phủ và Bộ, ngành các cấp cần phối hợp chặt chẽ cũng như quyết tâm cao độ nhằm hiện đại hoá cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xây dựng hệ thống điện tử kết nối và liên thông từ trung ương tới địa phương, ứng dụng mạnh mẽ CNTT gắn chặt với công cuộc cải cách hành chính và phát triển dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3,4; đồng thời tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thông tin để Việt Nam đón đầu xu thế, nắm bắt cơ hội phát triển trong cuộc CMCN lần thứ 4.
Theo Báo cáo của Liên Hợp Quốc về phát triển Chính phủ điện tử tại các quốc gia thành viên, Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ, từ nhóm các nước có chỉ số phát triển trung bình sang nhóm các nước có chỉ số phát triển cao, tăng 10 hạng trong bảng xếp hạng chung, lên thứ 89/193 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam hiện đang xếp thứ 6 về chỉ số phát triển chung và đứng thứ 4 về chỉ số cung cấp dịch vụ công trực tuyến.