Những điều cần biết xung quanh việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG CỤC BỘ, CHIA CẮT THÔNG TIN VỀ CÔNG DÂN

Việc quản lý dân cư ở nước ta hiện nay do nhiều bộ, ngành cùng thực hiện. Để phục vụ mục tiêu quản lý nhà nước, đồng thời đảm bảo quyền và nghĩa vụ của công dân trong từng ngành, lĩnh vực, các cơ quan quản lý nhà nước đều cấp cho công dân một loại giấy tờ nên mỗi công dân có thể sở hữu nhiều loại giấy  tờ với những con số khác nhau (giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn, sổ hộ khẩu, thẻ bảo hiểm  y tế, chứng minh nhân dân, hộ chiếu, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, các loại thẻ, chứng chỉ…).

Thông tin trong các giấy tờ này có nội dung trùng lặp (họ, tên, ngày tháng năm sinh, dân tộc, quốc tịch…) nên khi sử dụng các giấy tờ để truy nguyên công dân thì đều hiển thị các thông tin trùng nhau, nhưng khi tham gia các giao dịch, công dân lại không thể sử dụng một trong các giấy tờ công dân để chứng minh tình trạng nhân thân của mình.

Việc xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành liên quan đến người dân mới chỉ tập trung vào mục tiêu quản lý nhà nước của từng ngành, lĩnh vực mà chưa đặt vấn đề kết  nối, chia  sẻ thông tin chung về công dân giữa các cơ sở dữ liệu nên không khắc phục được tình trạng cục bộ, chia cắt thông tin về công dân, không thống nhất về thông tin cơ bản của một công dân trong các cơ sở dữ liệu, gây lãng phí nguồn lực về tài chính trong việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng (mở rộng cơ sở dữ liệu) và lãng phí nguồn nhân lực khi các cơ quan đều thực hiện việc nhập các dữ liệu trùng nhau.

Để khắc phục những bất cập trên, ngày 8-6-2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 896/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục  hành  chính,  giấy  tờ công dân và các cơ  sở  dữ  liệu liên quan đến quản lý dân  cư giai đoạn 2013-2020. Ngày 20-11-2014, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Căn cước công dân, trong đó xác định Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Việc thực hiện thành công Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ tạo sự đổi mới căn bản về tổ chức,hoạt động quản  lý  nhà  nước về dân cư theo hướng hiện đại; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết  thủ  tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Thực hiện Luật Căn cước công dân, ngày 26-11-2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2083/QĐ-TTg về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và giao cho Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khẩn trương tổ chức thực hiện để sớm đưa hệ thống vào khai thác, sử dụng. Để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trên toàn quốc, rút ngắn thời gian triển khai, tăng cường sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương và nâng cao trách nhiệm của công dân trong việc cung cấp thông tin dân cư, ngày 13-3-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-TTg về việc tăng cường phối hợp triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong mọi mặt của đời sống xã hội, cụ thể như sau:

Thứ nhất, thông qua  việc  tổ chức thu thập, cập nhật các thông tin cơ bản của công dân sẽ tạo lập nên một hệ cơ sở dữ liệu về dân cư tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương để dùng  chung  nhằm  cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin dân cư phục vụ công tác quản lý nhà nước, hoạch định các chính sách phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an sinh xã hội.

Thứ hai, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là căn cứ quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu, đề xuất lộ trình đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, khắc phục tình trạng người dân phải sử dụng nhiều giấy tờcá nhân nhưng lại không đem lại hiệu quả trong công tác giải quyết thủ tục hành chính. Việc sử dụng số định danh cá nhân và tra cứu thông tin trong cơ sở dữ liệu khi giải quyết các thủ tục hành chính sẽ thay thế cho việc phải xuất trình hoặc nộp bản sao có chứng thực các giấy tờ công dân khi thực hiện thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý, giảm chi phí và thời gian đi lại của nhân dân, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.

Thứ ba, thông tin về dân cư được thu thập, cập nhật thường xuyên sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý dân cư, quản lý chắc biến động dân cư, quản lý các loại đối tượng, hỗ trợ công tác tra cứu, xác minh về nhân thân của công dân, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Thứ tư, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được xây dựng với mục tiêu kết nối, chia sẻ thông tin về dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các ngành,lĩnh vực trên toàn quốc, làm tăng khả năng khai thác, cập nhật thông tin về dân cư, hạn chế tối đa sự trùng lặp thông tin, giảm chi phí đầu tư từ ngân sách nhà nước đối với hạ tầng công nghệ thông tin của các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Đồng thời, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ra đời cũng góp phần làm giảm khối lượng hồ sơ giấy tờ đang lưu trữ tại các cơ quan hành chính.

KHAI THÁC, SỬ DỤNG THÔNG TIN ĐƯỢC CHẾ ĐỊNH NHƯ THẾ NÀO?

Việc khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được quy định rất cụ thể tại Điều 10, Luật Căn cước công dân và Điều 8, Nghị định số 137/2015/ NĐ-CP ngày 31-12-2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân.

– Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ quan  nhà nước, tổ chức  chính  trị,  tổ chức chính trị – xã hội được khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Các hình thức khai thác, bao gồm: Kết nối mạng viễn thông, mạng máy tính với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; qua cổng thông tin điện tử do cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư quy định; văn bản yêu cầu.

– Công dân được khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hình thức khai thác thông qua việc giải quyết thủ tục hành chính, văn bản yêu cầu khai thác thông tin hoặc thông qua dịch vụ viễn thông.

– Tổ chức và cá nhân không thuộc quy định tại điểm a và điểm b, khoản 2, Điều 10 Luật Căn cước công dân có nhu cầu khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải được sự đồng ý của cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định của pháp luật. Hình thức khai thác phải có văn bản yêu cầu và được sự đồng ý, kiểm soát chặt chẽ của cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định của pháp luật.

Việc thu thập, cập nhật, chia sẻ và khai thác thông tin dân cư phải đảm bảo “bí mật nhà nước, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư của công dân” theo quy định tại Điều 5, Luật Căn cước công dân và Điều 11, Nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31-12-2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân.

Như vậy, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là cơ sở dữ liệu dùng chung, do Bộ Công an quản lý, phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước, cải cách thủ tục hành chính, phục vụ giao dịch của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và góp phần xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam. Việc khai thác thông tin dân cư chủ yếu nhằm phục vụ cho hoạt động của các Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội và yêu cầu chính đáng của công dân.

Các tổchức và cá nhân không thuộc quy định tại điểm a và điểm b, khoản 2, Điều 10 Luật Căn cước công dân có nhu cầu khai thác  thông tin trongCơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải được sự đồng ý của cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định của pháp luật và phải nộp phí. Việc khai thác và thu phí khai thác thông tin dân cư phải theo quy định của Luật Căn cước công dân và Luật phí và lệ phí. Hiện nay, Bộ Công an đang phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trong đó, quy định cụ thể về đối tượng, mức thu, hình thức thu, quản lý và sử dụng phí. Dự kiến trong năm 2018, Bộ Tài chính sẽ ban hành Thông tư này.

LỘ TRÌNH ĐẾN 2020

Theo quy định của Luật Căn cước công dân, đến năm 2020 phải hoàn thành việc xây dựng và đưa vào vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tuy nhiên, dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là một dự án có quy mô lớn, tính chất phức tạp; liên quan đến chức năng nghiệp vụ của nhiều ngành, lĩnh vực và toàn bộ công dân; phạm vi triển khai rộng khắp từ Trung ương đến tận các xã, phường, thị trấn. Mặt khác, dự án chưa có trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 dẫn đến chưa bố trí được nguồn vốn phục vụ triển khai dự án, ảnh hưởng trực tiếp đến  tiến độ xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định của Luật Căn cước công dân.

Để thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cần tập trung vào một số nội dung cụ thể sau đây:

Một là, đề nghị Quốc hội sớm thông qua việc bổ sung dự án vào danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 để có căn cứ tổ chức triển khai thực hiện dự án theo đúng quy định của Luật Căn cước công dân, Luật Đầu tư công, các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công an.

Hai là, rà soát, chỉnh sửa các văn bản do bộ, ngành, địa phương ban hành trong công tác quản lý dân cư phục vụ việc ứng dụng hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thống nhất, hiệu quả, đặc biệt trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Ba là, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc cung cấp, cập nhật và khai thác các thông tin về dân cư. Qua đó, tạo sự đồng thuận của các cấp, các ngành và sự ủng hộ, hưởng ứng tích cực của nhân dân trong quá trình triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Bốn là, đề nghị các bộ, ngành có liên quan; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai thu thập, cập nhật, xác thực thông tin của công dân.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý dân cư, cụ thể việc xây dựng Cơ sở dữ  liệu  quốc gia về dân cư là một nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, trên cơ sở đó tạo nền tảng cho công tác quản lý hành chính nhà nước theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, giảm thời gian và chi phí giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và góp phần phát triển Chính phủ điện tử. /.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *