Tỉnh Kon Tum đang chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương đẩy mạnh thu thập thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, theo tiến độ Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020, trên địa bàn tỉnh.
Để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong triển khai, tỉnh đã tổ chức hội nghị phổ biến, quán triệt nội dung đề án đến lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương. Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án tỉnh tổ chức ba lớp tập huấn nghiệp vụ thu thập thông tin cho các cá nhân liên quan. Các huyện, thành phố tổ chức 11 lớp tập huấn triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Các cơ quan chức năng của tỉnh tích cực phối hợp lực lượng công an tổ chức thu thập, kiểm tra, đối chiếu, so sánh thông tin cơ bản của công dân, bảo đảm kịp thời, chính xác. Tỉnh đề xuất Ban Chỉ đạo 896 Trung ương xem xét trang bị đầy đủ thiết bị, kinh phí triển khai nhằm thực hiện Đề án đạt hiệu quả.
Đến nay, tỉnh đã tiến hành thu thập dữ liệu, hoàn thiện phiếu thông tin dân cư trên địa bàn được gần 500 nghìn phiếu, đạt hơn 90,8% số lượng phiếu thông tin cần thu thập. Một số địa phương đạt tỷ lệ cao, như: Huyện Đác Tô (96,7%), huyện Sa Thầy (95,1%), huyện Ngọc Hồi (91,5%)…
* UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt Đề án “Đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2019-2021 trên địa bàn tỉnh”. Mục tiêu của đề án là đến năm 2021, hơn 80% dân số ở vùng nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số, 85% dân số khu vực thành thị, được phổ cập kiến thức pháp luật cơ bản, liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân; 90% số cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh cập nhật được các văn bản pháp luật của Nhà nước mới ban hành. Phấn đấu toàn bộ báo cáo viên, tuyên truyền viên trong tỉnh được cung cấp tài liệu và tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng để thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; tất cả các trường học triển khai phổ biến, giáo dục pháp luật trong chương trình giáo dục chính khóa và hoạt động ngoại khóa…
Để thực hiện đề án này, tỉnh đề ra bảy giải pháp chính, trong đó chú trọng giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương trong phổ biến giáo dục pháp luật. Tỉnh đẩy mạnh xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; thông qua công tác hòa giải ở cơ sở để tuyên truyền, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị xã hội; đa dạng hóa mô hình câu lạc bộ tuyên truyền pháp luật trong các tổ chức quần chúng nhân dân; kết hợp triển khai đề án này với các chương trình, đề án, kế hoạch đang thực hiện ở địa phương…