Doanh nghiệp CNTT: Cần nhất là truyền thông và đối thoại

Từ thiệt thòi vì chưa rõ chính sách…

Nhờ đặc thù chủ yếu là sản xuất sản phẩm trí tuệ nên hầu hết các doanh nghiệp (DN) phần mềm không vấp phải vướng mắc về tiếp cận chính sách đất đai. Tuy nhiên ở chính sách thuế, không ít doanh nghiệp chịu thiệt thòi nhiều năm vì không nắm rõ ưu đãi. Theo quy định, đối với DN phần mềm, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) sẽ chỉ là 10% trong 15 năm đầu tiên của dự án, 4 năm miễn thuế và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Nghe thì tốt nhưng không phải DN phần mềm nào cũng tỏ tường “đường đi nước bước” của các ưu đãi này.

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Tin học TPHCM, đồng thời là TGĐ Công ty Sao Bắc Đẩu, dù đã biết đến các ưu đãi này từ rất lâu nhưng trên thực tế DN của ông vẫn gặp khó khăn khi tách bạch doanh thu hai mảng phần cứng và phần mềm trên cùng một sản phẩm bán ra. Thế là sau 5 năm ròng rã đóng thuế như những DN bình thường khác thì Sao Bắc Đẩu mới được hưởng ưu đãi theo đúng quy định. Vậy nên nói đi cũng phải nói lại, sự thua thiệt của DN cũng có phần “lỗi nhịp” của công tác truyền thông chính sách thuế.

Gần đây nhất là chính sách thu hút sự quan tâm của công chúng từ Nghị quyết 41 (ban hành ngày 26/5/2016), với ưu đãi giảm 50% số thuế thu nhập cá nhân phải nộp đối với nhân lực công nghệ cao làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Thế nhưng, sau hơn 1 năm kể từ khi có nghị quyết, câu trả lời mà các DN nhận được từ cơ quan thuế là “nội dung này chưa có trong Luật thuế Thu nhập cá nhân nên chưa được áp dụng”.

Đại diện cho chính quyền trả lời vướng mắc này, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định thành phố sẽ xem xét các vấn đề liên quan đến thuế thu nhập cá nhân cho nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin để có kiến nghị thích hợp, nhưng “DN cũng cần tiếp tục nêu nguyện vọng ở các cuộc họp với những địa phương khác. Nhiều địa phương cùng kiến nghị thì mới có tiếng nói mạnh mẽ hơn”.

đến dự thảo gây sốc …

Và câu chuyện gây sốc được nói đến nhiều nhất tại buổi đối thoại giữa đại diện các DN Công nghệ thông tin và cơ quan chức năng tại TPHCM có lẽ chính là dự thảo quy định về xuất nhập khẩu các thiết bị an toàn công nghệ thông tin.

Theo đó, dự kiến mỗi lần nhập, xuất các thiết bị công nghệ thông tin hay phần mềm, DN đều phải xin “giấy phép con”. Dù Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) dự kiến cho đăng ký qua mạng nhưng giới DN công nghệ thông tin lại rất quan ngại không thể đảm đương nổi quy trình xin phép xuất, nhập khẩu tương tự như đối với các hàng hóa thông thường. Bởi sau 3 ngày đăng ký với Bộ TT&TT thì hồ sơ mới được chuyển sang cơ quan Hải quan thẩm định.

“Mỗi giao dịch trên thị trường phần mềm thế giới hiện chỉ mất một vài ngày, còn chúng ta ngâm lâu như vậy sẽ gây ra xáo trộn lớn cho ngành phần mềm trong nước. Và Hải quan liệu có đủ năng lực kiểm tra tất cả sản phẩm phần mềm hay không?”, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Giám đốc Công ty Smart World chia sẻ trong lo lắng. Đó là chưa kể những khách hàng buôn bán phần mềm với đối tác tại Việt Nam lại còn rất e ngại chuyện bảo mật thông tin kinh doanh khi sản phẩm xuất nhập khẩu phải khai báo như mọi hàng hóa thông thường khác. Và dự báo là ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam có thể sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ nếu dự thảo này thành hiện thực.

Điều may mắn là cùng thời điểm buổi đối thoại, tại Văn phòng Chính phủ, cuộc họp do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì với sự tham dự của các Bộ liên quan và Hiệp hội Phần mềm & CNTT Việt Nam (VINASA) đã mang đến một tin vui bất ngờ, hóa giải chủ đề gây xôn xao trên diễn đàn của các nhà sản xuất phần mềm những ngày qua. Theo đó, cuộc họp đã đi đến kết luận “vì văn bản này không hỗ trợ hay đem lại lợi ích cho DN nên thống nhất không tiếp tục triển khai”.

Kỳ vọng vào thị trường lớn ở khu vực công

Trở lại buổi đối thoại với các cơ quan chức năng TPHCM, nhiều DN đã bày tỏ mong muốn được tiếp cận thị trường công – nơi được đánh giá là “mỏ vàng sắp tỉnh giấc” của ngành sản xuất phần mềm.

Theo đánh giá chung, chính quyền là đối tượng khách hàng rất quan trọng đối với sự phát triển ngành công nghệ thông tin nhưng làm thế nào để DN phần mềm có được “đơn hàng” từ khu vực này là cả một chặng đường gập ghềnh. Mỗi dự án cho khu vực công thường mất từ 2 đến 3 năm tính từ lúc bắt đầu tìm kiếm thông tin đơn hàng, nghiên cứu, khảo sát dự án, đấu thầu, thực hiện dự án đến khi được thanh toán xong công nợ. Những DN nhỏ vì vậy rất khó khăn trong xoay vòng vốn hay tìm kiếm thông tin từ thị trường khu vực công. “Chúng tôi đã có nhiều sản phẩm cung cấp cho các cơ quan chính quyền ở nhiều tỉnh thành nhưng riêng TPHCM thì rất khó tiếp cận”, đại diện Công ty Cổ phần Sao Thăng thẳng thắn nhận định.

Trước ý kiến của DN, Phó chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết quá trình xây dựng bộ khung cho Đề án Smart City của TPHCM đang đi vào những giai đoạn cuối cùng. Trong đó có một chủ trương quan trọng là ưu tiên DN Việt Nam tham gia dự án này trong các nội dung như: đầu tư công nghệ, thi công, giám sát, quản lý, điều hành…

Trước mắt lời kêu gọi của vị đại diện chính quyền TPHCM hướng đến 2 dự án cụ thể là Trung tâm Dữ liệu dùng chung và Trung tâm An toàn Công nghệ thông tin.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *