Internet of things IOT là gì?

Internet of things (IOT) đã manh nha từ nhiều thập kỷ trước nhưng mãi đến năm 1999 cụm từ IOT mới được đưa ra bởi Kevin Ashton. Ông là một nhà khoa học đã sáng lập ra Trung tâm Auto-ID ở Đại học MIT, nơi thiết lập các quy chuẩn toàn cầu cho RFID (một phương thức giao tiếp không dây dùng sóng radio) cũng như một số loại cảm biến khác.

Vậy Internet of things là gì?

Theo Wikipedia, Internet of things có nghĩa là mạng lưới mà mọi thiết bị, vật thể được cung cấp một định danh của riêng mình, và tất cả có khả năng truyền tải, trao đổi thông tin, dữ liệu qua một mạng (máy tính/internet) duy nhất mà không cần đến sự tương tác trực tiếp (tiếp xúc) giữa người với người, hay người với máy tính hoặc người với thiết bị. IOT đã phát triển từ sự hội tụ của công nghệ không dây, công nghệ vi cơ điện tử và Internet. Nói đơn giản là một tập hợp các thiết bị có khả năng kết nối với nhau, với Internet và với thế giới bên ngoài để thực hiện một công việc nào đó.

Hiểu nôm na một cách đơn giản IOT là tất cả các thiết bị có thể kết nối với nhau thông qua Internet. Việc kết nối thì có thể thực hiện qua Wi-Fi, mạng viễn thông băng rộng (3G, 4G), Bluetooth, ZigBee, hồng ngoại… Các thiết bị có thể là điện thoại thông minh, máy pha cafe, máy giặt, tai nghe, bóng đèn, và nhiều thiết bị khác.

Theo Cisco, nhà cung cấp giải pháp và thiết bị mạng hàng đầu hiện nay dự báo: Đến năm 2020, sẽ có khoảng 50 tỉ thiết bị kết nối vào Internet, thậm chí con số này còn gia tăng nhiều hơn nữa. IOT sẽ là mạng khổng lồ kết nối tất cả mọi thứ, bao gồm cả con người và sẽ tồn tại các mối quan hệ giữa người và người, người và thiết bị, thiết bị và thiết bị. Một mạng lưới IOT có thể chứa đến 50 đến 100 nghìn tỉ đối tượng được kết nối và mạng lưới này có thể theo dõi sự di chuyển của từng đối tượng. Một con người sống trong thành thị có thể bị bao bọc xung quanh bởi 1.000 đến 5.000 đối tượng có khả năng theo dõi và kết nối.

Ứng dụng của IOT

IOT có ứng dụng rộng rãi và bao quát mọi lĩnh vực đời sống, một số ứng dụng lớn như sau:

Quản lý chất thải
Quản lý và lập kế hoạch quản lý đô thị
Quản lý môi trường
Phản hồi trong các tình huống khẩn cấp
Mua sắm thông minh
Quản lý các thiết bị cá nhân
Đồng hồ đo thông minh
Tự động hóa ngôi nhà

Ứng dụng IOT rất đa dạng, trên tất cả các lĩnh vực đời sống: quản lý hạ tầng, y tế, xây dựng và tự động hóa, giao thông… Cụ thể trong lĩnh vực y tế, IOT có thể được sử dụng trên các thiết bị theo dõi sức khỏe từ xa và hệ thống thông báo khẩn cấp. Các thiết bị theo dõi huyết áp và nhịp tim, thiết bị giám sát được cấy ghép vào cơ thể, máy điều hòa nhịp tim, máy trợ thính thông qua các cảm biến đặc biệt gửi tín hiệu đến trung tâm điều khiển nhằm cảnh báo sớm, giám sát bệnh án.

Một ứng dụng khác là nhà thông minh, các thiết bị có thể tự động báo thức, mở cửa khi trời sáng, dùng các cảm biến để quét số lượng người trong phòng, nếu không có ai sẽ tự tắt. Tự động kiểm tra đèn, thiết bị điện tử, van gas và tự động tắt đi khi không có ai trong nhà. Ngoài ra, bạn còn có thể giám sát chiếc điện thoại, xe của mình thông qua GPS và phần mềm để quản lý, chống mất trộm…

IOT trong tương lai

Cisco, Intel, và Qualcomm đang đẩy mạnh tài trợ cho các startup IOT không chỉ vì lý do họ là những sản xuất hạ tầng cho các thiết bị IOT mà còn từ tiềm năng và lợi nhuận to lớn trong từ Internet of Things như Intel hơn 2 tỉ USD trong năm 2014.

Dự đoán Internet of Things đến năm 2020

+ 4 tỉ người kết nối với nhau

+ 4 ngàn tỉ USD doanh thu

+ Hơn 25 triệu ứng dụng

+ Hơn 25 tỉ hệ thống nhúng và hệ thống thông minh

+ 50 ngàn tỉ Gigabytes dữ liệu

Do đó có thể nói Internet of Things không phải chỉ đơn giản là một trào lưu, xu hướng mà Internet of Things chính là tương lai. Bằng cách này hay cách khác IOT sẽ dần hiện diện trong cuộc sống chúng ta như một phần nhu cầu tất yếu.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *